Chính sách Bắc_Ngụy

Thời kỳ đầu trong lịch sử Bắc Ngụy, nhà nước này vẫn tiếp tục thực hiện một loạt các truyền thống từ lịch sử ban đầu của mình như là bộ lạc Tiên Ti, và một số trong số này là bất thường, theo quan điểm Trung Hoa truyền thống:

  • Các quan lại không nhận lương, mà trưng thu những vật dụng thiết yếu cho cuộc sống của họ trực tiếp từ những người dân do họ quản lý. Theo tiến trình phát triển của đế quốc, điều này dường như là yếu tố chính góp phần vào sự tha hóa của các quan chức. Vì thế chỉ sau hơn 100 năm kể từ khi ra đời, nhà nước này đã phải cung cấp lương bổng cho các quan lại.
  • Các hoàng hậu không được chỉ định theo sự yêu mến của hoàng đế hay đẳng cấp khi sinh ra, mà các ứng viên được đưa ra xem xét trong một nghi lễ, theo đó họ phải đích thân rèn các bức tượng vàng, như là cách thức của ân huệ thần thánh. Chỉ có bà vợ nào thành công trong việc rèn tượng vàng mới có thể trở thành hoàng hậu.
  • Tất cả đàn ông, không phụ thuộc vào sắc tộc, phải tết tóc thành một bím tóc và sau đó cuộn lại để đặt trên đỉnh đầu, và có một chiếc mũ đội trùm lên.
  • Khi Thái tử được chỉ định, mẹ của ông ta, nếu còn sống, bị buộc phải tự tử (Một số sử gia không tin rằng đây là tập tục truyền thống của người Thác Bạt, mà tin rằng nó là truyền thống được Đạo Vũ Đế đặt ra, dựa trên việc Hán Vũ Đế cho tử hình người thiếp yêu của ông là Câu Dực Phu nhân Triệu Tiệp dư, mẹ đẻ của người con trai bé nhất của ông là Lưu Phất Lăng (tức Hán Chiêu Đế sau này), trước khi chỉ định Phất Lăng làm Hoàng thái tử nhằm tránh sự can thiệp của ngoại thích vào công việc triều chính.
  • Do các hoàng đế không còn mẹ đẻ, vì thế khi lên ngôi, họ thông thường sẽ phong tặng cho bảo mẫu của mình tước hiệu "Bảo thái hậu" (保太后). Do vậy, Bắc Ngụy có 3 dạng Hoàng thái hậu, một là mẹ đẻ của Hoàng đế (truy phong), hai là bảo mẫu của Hoàng đế và ba là (cựu) hoàng hậu của Hoàng đế tiền nhiệm.

Khi quá trình Hán hóa của Nhà nước Bắc Ngụy tăng lên thì các truyền thống tập tục này dần dần bị bãi bỏ.

Luật pháp

Trong thời kỳ đầu, Đạo Vũ Đế dựa vào nguyên tắc giản dị để tiến hành sửa chữa pháp luật cũ ở Trung Nguyên. Ba mươi năm, sau Thái Vũ Đế sai Thôi Hạo là thủ lĩnh sĩ tộc người Hán tiến hành chỉnh lý pháp luật gồm 391 điều, trong đó những dấu vết cũ của người Tiên Ty không còn nhiều nữa. Năm 477 Hiếu Văn Đế chủ trì việc chỉnh lý pháp luật nhiều lần cùng các đại thần thảo luận việc chỉnh lý pháp luật, đích thân chấp bút để soạn thảo pháp luật. Năm 491, Bắc Ngụy ban hành bộ luật có 20 chương, 832 điều, đồng thời ban hành Ngụy lệnh[17].

Tổ chức nông dân

  • Chế độ tam trưởng chế.

Năm gia đình tạo thành một lân có lân trưởng đứng đầu[18]

  • Năm lân tạo thành một lý có một lý trưởng đứng đầu.
  • Năm lý tạo thành một đảng có một đảng trưởng đứng đầu.

Ở mỗi cấp này, những người đứng đầu đều do chính quyền trung ương chỉ định. Nhờ đó Nhà nước quản lý được số hộ toàn quốc, trực tiếp quản lý thuế đến từng hộ. Các lân trưởgn, lý trưởng, đảng trưởng được hưởng đặc quyền không phải đi phu, chỉ lo việc lập hộ tịch, thu thuế và khuyến khích làm ruộng, chăn tằm trong địa phận. Tam trưởng chế xoá bỏ chế độ Tôn chủ đốc bộ trước đó, ảnh hưởng đến quyền lợi của địa chủ người Tiên Ty và người Hán.

Chế độ quân điền

Nhằm đảm bảo cho Nhà nước có thể khai hoang và cải tạo các khu vực đất đai khô cằn, hoang vu, cằn cỗi, Nhà nước Bắc Ngụy đã phát triển hệ thống này bằng cách chia nhỏ đất đai theo số lượng đàn ông của từng độ tuổi để gieo trồng trên đất ấy, đây là chế độ quân điền. Nhà Tùynhà Đường sau này đã phục hồi lại chế độ quân điền này trong thế kỷ 7[18].

Di dân

Trong thời kỳ trị vì của Đạo Vũ Đế (386-409), tổng lượng dân cư phải di dời từ các khu vực phía đông Thái Hành Sơn (lãnh thổ cũ Hậu Yên) tới Bình Thành ước chừng khoảng 460.000. Các cuộc di dời nói chung được thực hiện khi Bắc Ngụy chiếm lĩnh thêm được các lãnh thổ mới[18].

Di dân thời Bắc Ngụy
NămNgườiSố lượngNơi đến
398Tiên Ti ở Hà Bắc và miền Bắc Sơn Đông100.000Bình Thành
399Các gia đình Trung Quốc lớn2.000 gia đìnhBình Thành
399Nông dân Trung Quốc từ Hà Nam100.000Sơn Tây
418Tiên Ti ở Hà Bắc?Bình Thành
427Dân cư Vương quốc Hạ (Thiết Phất)10.000Sơn Tây
432Dân cư Liêu Ninh30.000 gia đìnhHà Bắc
435Dân cư Thiểm TâyCam Túc?Bình Thành
445Nông dân Trung Quốc từ Hà NamSơn Đông?Bắc sông Hoàng Hà
449Thợ thủ công từ Trường An2.000 gia đìnhBình Thành

Dời đô

Đến Bình Thành

Sau khi Đạo Vũ Đế Thác Bạt Khuê chuyển kinh đô đến Bình Thành[19] vào năm 398 và bắt đầu áp dụng phong tục và luật lệ của người Hán (quản lý hành chính, cấu trúc bộ máy Nhà nước, nghi lễ Nhà nước, hệ thống tiêu chuẩn đo lường cân nặng, lịch pháp, thành lập trường học Nho giáo, buộc người Thác Bạt để tóc và đội mũ như người Hán.

Năm sau, Đạo Vũ Đế tổ chức lại chính quyền, mở rộng bộ máy chính quyền, thu thập các loại sách vở trong toàn quốc và chở về Bình thành. Những người sử dụng đất đều được đăng ký (hộ) và các khu đất xung quanh Kinh thành được phân chia cho nông dân tự canh canh tác. Phần lớn diện tích đất nông nghiệp ở miền Bắc được dùng làm đồn điền quân sự, số khác được sử dụng làm mục trường chăn thả gia súc.

Bắc Ngụy mở rộng lãnh thổ, lấy Hà Tây làm mục trường rộng lớn để nuôi ngựa. Ngụy thư có ghi: "Hà Tây có nước có cỏ tốt bèn lấy làm nơi chăn thả súc vật, sinh sản nhanh chóng, ngựa có đến 2 triệu con".

Đến Lạc Dương

Năm 493, Hiếu Văn Đế trên danh nghĩa là đánh miền Nam đã cho mang đến Hà Dương (Hà Nam) 2 triệu con ngựa, tổ chức quân túc vệ 15 vạn thường trú tại Lạc Dương, dời hộ tịch toàn bộ người vùng Đại tới Lạc Dương. Hành động này không phải chỉ là chuỵên dời đổi kinh đô mà còn có ý nghĩa chuyển đổi văn hóa quan trọng, vì Đại Đồng là đất nằm phía bắc dãy Hồng Sơn, lọt vào vùng đất chịu nhiều ảnh hưởng của văn hóa du mục, còn Lạc Dương ở vào trung tâm Thần Châu thời cổ, là kinh đô Đông Chu, Đông Hán, Ngụy, Tấn. Lạc Dương phía đông có Thánh Cao, phía tây có Hào Sơn, Dẫn Trì, sau lưng là Hoàng Hà, quay mặt sang các sông Y, sông Lạc. Dời kinh đô đến đây là để hiển thị Bắc Ngụy là chính quyền chính thống của Trung Quốc và có lợi cho việc hấp thụ mau lẹ Văn hóa Hán tộc.

Chính ở Cố đô Lạc Dương này, Hiếu Văn Đế tiến hành cải cách các lãnh vực kinh tế, kiến trúc thượng tầng văn hóa. Ông hạ lệnh cấm dùng chữ Hồ, ăn mặc theo lối Hồ (Hồ là khái niệm chỉ chung những dân tộc ít người Trung Quốc), buộc nhân dân phải dùng rộng rãi tiếng Hán. Hễ bất cứ quan viên người Tiên Ty nào dưới 30 tuổi mà nói tiếng Tiên Ty trong Triều đình đều bị gián chức trừ quan.

Kinh thành Lạc Dương đầu đời Bắc triều bị Ngũ Hồ tán phá, chỉ còn có một trăm nhà, năm 494 được xây dựng lại. Vòng thành có 12 cửa, ở giữa là cung điện. Ở phía nam là khu hành chính. Trong thành và ngoài thành dân số rất đông đúc. phía tây là một chợ lớn, phía đông là một chợ nhỏ bán ngũ cốc và súc vật, phía nam là một chợ bán cá và những sản phẩm nhập khẩu. Các thương nhân nước ngoài tới ở khu riêng gọi là Tứ Di quán. Đô thành Lạc Dương có đến 10 vạn hộ, số dân khoảng trên 50 vạn người. Lạc Dương thành một trung tâm thương mại thịnh vượng trao đổi hàng hóa với Trung Á và Tây Á.

Hán hóa

Tôn giáo

Khi Nhà nước Bắc Ngụy phát triển, các hoàng đế dần dà ưa thích các thể chế của người Hán và các quân sư cũng gia tăng. Thôi Hạo (381-450), một quân sư của Triều đình Bắc Ngụy tại Bình Thành đóng một vai trò quan trọng trong tiến trình này[18]. Ông giới thiệu các phương thức quản lý của người Hán cũng như luật lệ cho Triều đình Bắc Ngụy, cũng như sáng tạo ra Thiên Sư đạo (một kiểu thần quyền Đạo giáo), kéo dài tới tận năm 450. Sức lôi cuốn của các sản phẩm của người Hán, khiếu thẩm mỹ hoàng gia đối với xa xỉ phẩm, uy tín của văn hóa Trung Hoa vào thời gian đó và Đạo giáo tất cả hợp lại đều là những yếu tố trong ảnh hưởng của người Hán tại Nhà nước Bắc Ngụy.

Các đền chùa Phật giáo bắt đầu xuất hiện ở nhiều nơi, thay thế dần cho Đạo giáo trong vai trò của quốc giáo[18].

Phật giáo cũng phát triển mạnh trong giai đoạn này với 2 triệu người tu hành, 3 vạn ngôi chùa được xây. Các hang động Phật lớn như Đôn Hoàng, Long Môn được xây dựng quy mô dưới sự bảo trợ của Nhà nước. Lạc Dương có đến 1367 ngôi chùa, có 3000 nhà sư nước ngoài đến Kinh thành.

Ảnh hưởng của người Hán còn gia tăng trong quá trình di chuyển kinh đô tới Lạc Dương năm 494Hiếu Văn Đế còn tiếp tục điều này bằng cách thiết lập chính sách Hán hóa có hệ thống, được những vị hoàng đế sau ông thực hiện tiếp. Các truyền thống Tiên Ti dần dà bị xóa bỏ.

Đổi họ

Hoàng gia còn đẩy quá trình Hán hóa xa hơn một bước khi đổi họ Thác Bạt của mình thành họ Nguyên. Những người họ Thác Bạt xa thì đổi làm Trưởng Tôn, họ Ất Phiên đổi thành Thúc Tôn. Các họ kép (hai chữ) đều đổi thành họ đơn (1 chữ), trong đó 8 họ sang nhất là: Mục, Lục, Hạ, Lưu, Lâu, Vũ, Hệ, Uất. Sĩ tộc người Hoa thì có 4 hộ lớn nhất là Lư, Thôi, Trịnh, Vương ở Phạm Dương, Thanh Hà, Vinh Dương, Thái Nguyên; họ Lý ở Lũng Tây, Triệu Quận kém hơn một bậc. Các họ người Hán này cũng được coi là quý tộc, con gái được tuyển vào cung vua.

Các sĩ tộc khác cũng được phân chia lại theo đẳng cấp rõ ràng. Hôn nhân với các gia đình người Hán được khuyến khích. Sĩ tộc và sĩ tộc Hán dựa theo dòng dõi và đẳng cấp mà gả con cái cho nhau.

Chế độ quân điền

Nhà Bắc Ngụy ban hành "quân điền chế", ban bố "Tam trường chế" thực hành "Quan lộc chế", tiến hành một loạt cải cách.

Năm 491 cho ban hành một bộ luật mới có 20 chương 832 điều. Các quan chức trong bộ máy Nhà nước được Nhà nước trả lương, đó là chế độ quan lộc chế. Năm 483 ban hành quan lộc chế, chính thức cấp bổng lộc cho quan lại quy định mỗi hộ dân phải nộp hàng năm 3 xấp lụa, 2 hộc 9 đấu lúa làm nguồn để trả lương. Quan lại nếu tham ô có giá trị ngang 1 xấp lụa thì bị tử hình, năm đó Nhà nước tiến hành giám sát quan viên các nơi phát hiện tại 40 nơi có quan viên tham nhũng, tất cả đều bị xử tử.

Quân đội

Ảnh hưởng lớn của người Hán có ảnh hưởng chính đối với Triều đình và tầng lớp trên của giai cấp quý tộc Thác Bạt[18]. Quân đội bảo vệ biên cương phía bắc Đế chế và người Tiên Ti ít Hán hóa hơn bắt đầu thể hiện cảm giác thù nghịch đối với Triều đình quý tộc và tầng lớp trên của xã hội dân sự[18]. Thời kỳ đầu trong lịch sử Bắc Ngụy, phòng thủ ở biên giới phía bắc chống lại người Nhu Nhiên là quan trọng hơn cả và nghĩa vụ quân sự trên biên cương phía bắc từng được coi là danh giá và được đánh giá cao.

Trên tất cả, trong suốt lịch sử từ khi thành lập cho tới các giai đoạn đầu của nhà nước này, sức mạnh của đao kiếm và cung tên đã tạo ra và duy trì nó; nhưng khi quá trình Hán hóa của Hiếu Văn Đế được bắt đầu một cách nghiêm túc thì nghĩa vụ quân sự, cụ thể là tại biên cương phía bắc, đã không còn được coi là danh giá và các gia đình chiến binh Tiên Ti truyền thống ở biên giới phía bắc đã không còn được kính trọng và không nhận được nhiều đặc quyền đặc lợi như trước đây nữa. Các gia đình này trước đó được coi là tầng lớp trên thì hiện tại lại bị coi là tầng lớp dưới trong hệ thống cấp bậc xã hội.

Xây dựng chính quyền và thực hiện cải cách

Văn Thành Ðế lại rất sùng bái và có công trong việc phát triển Phật giáo, củng cố chính quyền trung ương. Sau khi Văn Thành Đế qua đời, nhờ sự giúp đỡ của quần thần, Phùng Hoàng hậu (Phùng Thục Nghi, cháu gái Phùng Hoằng, Vua Bắc Yên) tiêu diệt triệt để âm mưu cướp ngôi của Thái Nguyên Vương Ất Phất Bộ Hồn, hỗ trợ cho Hiến Văn Đế còn nhỏ tuổi. Phùng Hoàng hậu được tôn làm Phùng Thái hậu, lần đầu tiên chính thức lâm triều. Nhà nước Bắc Ngụy được củng cố mạnh mẽ dưới thời gian Phùng Thái hậu nhiếp chính và tiếp sau đó là Hiếu Văn Đế.

Dưới sự dẫn dắt và ủng hộ của Phùng Thái hậu, Hiếu Văn Đế quyết chí cải chính, phú quốc cường binh, khiến cho Vương triều Bắc Ngụy ngày càng hùng mạnh, kinh tế và văn hóa phát triển từ trước tới nay chưa từng có.

Cải cách của Hiếu Văn Đế

Nhà Bắc Ngụy từ khi dựng nước đến khi thống nhất phương Bắc luôn luôn gây ra chiến tranh cướp đoạt, chiếm giữ súc vật và người rồi ban chiến lợi phẩm ấy cho tôi thần làm tài sản và nô lệ. Sự thống trị của chính quyền Bắc Ngụy vô cùng tàn bạo, áp bức giai cấp và áp bức dân tộc đan xen vào nhau. Vì vậy bị nhân dân các tộc phản kháng dữ dội mà điển hình là cuộc nổi dậy phản kháng của Cái Ngô trong thời Thái Vũ Đế. Các cuộc nổi dậy đấu tranh ấy của các dân tộc xảy ra liên miên khiến cho Chính phủ Bắc Ngụy không thể không thay đổi. Vì đó mới có một loạt biện pháp biến pháp quân điền của Bắc Ngụy Hiếu Văn Đế.

Hiếu Văn Đế Nguyên Hoằng có tên Thác Bạt Hoằng, lên ngôi lúc mới 4 tuổi, nhưng đến năm 23 tuổi mới thực sự nắm quyền. Hiếu Văn Đế là một đế vương có hùng tâm đại chí.

Trong thời gian các năm 472 – 487, nhà Bắc Ngụy dưới sự chấp chính của Phùng Thái hậu đã ban hành quy định giải phóng thợ thủ công, cấm nhà giàu và quý tộc nuôi nô bộc, cấm phát triển nô tì, cấm bắt lương dân làm nô tì, cấm bắt người đang có tang làm nô tì, người nào phạm tội bị tử hình, vương công phạm pháp thì bị bãi bỏ tước vị, bãi bỏ độc quyền công nghiệp của nhà nước.

Chính sự thời Hiếu Văn Đế được đánh giá là đạt đến cực thịnh của thời Bắc Ngụy. Ba chính sách cải cách lớn: tam trưởng chế, quân điền chế, xâu thuế đã giảm nhẹ mâu thuẫn xã hội, tăng cường sức mạnh nhà nước trung ương tập quyền cho Triều đình Bắc Nguỵ. Sau khi Hiếu Văn Đế chết, số lượng hộ tăng lên gấp đôi so với lúc toàn thịnh của Tây Tấn, tổng cộng có 5 triệu hộ (khoảng 30 triệu dân)[cần dẫn nguồn], Vương triều Bắc Ngụy kho lẫm đầy ắp. Năm 477, Sứ thần Nhu nhiên đến Bắc Ngụy có đề nghị được dẫn đi xem các thứ quý giá của nước Ngụy. Triều đình liền cho mở kho đủ các loại châu báu khiến cho sứ giả thán phục: "Đại quốc thật hết sức giàu, trong đời chưa từng thấy".

Cuộc cải cách của họ Thác Bạt Tiên Ty tương đối thành công, chính trị Bắc Nguỵ ổn định, kinh tế phồn vinh, dân số tăng vọt, quan hệ quốc tế rộng rãi mang dáng dấp một nước lớn ở phương Đông. Hơn nữa, văn hoá phát triển, Phật giáo thịnh hành, các hang động Vân Cương, Long Môn đến nay vẫn khiến người ngưỡng mộ, khiến các quốc gia Hán tộc Nam triều hủ bại, nội loạn triền miên không thể so sánh với Bắc Nguỵ, đến nỗi người Trung Quốc sau này phần lớn chỉ biết đến Bắc Nguỵ tiếng tăm lừng lẫy, mà rất ít biết những nước của người Hán cùng thời ở Nam triều như Tống, Tề.

Ông đặt ra chế độ Hán hóa và đồng hóa và tạo quyền lợi cho các sĩ tộc người Hán nhằm mục đích chia quyền lợi ngang bằng giữa người Tiên Ty và người Hán, ngăn ngừa sự chia rẽ chủng tộc làm phát sinh biến loạn[20].

Chính sách ưu đãi sĩ tộc của nhà Bắc Ngụy thực chất chính là sự kế tục đường lối của một số quốc gia Ngũ Hồ như Hán Triệu, Hậu Triệu, Tiền Tần, Tiền Yên, Hậu Tần... thời Ngũ Hồ Thập lục quốc. Chính vì vậy, trong các cuộc khởi nghĩa chống đối của nông dân sau này, các sĩ tộc Hán không hề tham gia[20].